Thưa bác sĩ, cháu năm nay 23 tuổi, cháu vẫn hay để móng tay dài, thỉnh thoảng có đánh móng, tuy nhiên không giống các bạn, móng tay của cháu cứ hễ dài lại gãy, thậm chí còn xước gãy trên bề mặt móng, nếu dùng tay bóc thì cháu bóc tước ra cả một mảng, nên khi đánh móng sẽ không đều, trông xấu và khó chịu. Bác sĩ có thể cho cháu biết nguyên nhân và các thực phẩm cần thiết để giúp móng tay không bị gãy, cảm ơn bác sĩ.
Bạn gái thân mến, móng tay cũng biểu hiện một phần của sức khỏe con người, không những thế nó còn giúp các bạn nữ trang điểm để tô thêm vẻ đẹp duyên dáng. Bạn hãy đọc bài viết sau để hiểu thêm và giúp bạn gìn giữ bộ móng xinh của mình nhé.
Móng giòn dễ gãy là tình trạng đặc trưng bởi sự phân tách và phá vỡ các protein tạo nên móng. Nguyên nhân thường do các thương tích, nhiễm khuẩn, chất độc, bệnh tật hoặc các loại thuốc khác nhau. Thường ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, thiếu hụt vitamin và các chất dinh dưỡng cũng có thể gây ra móng giòn dễ gãy, vỡ và lột các các lớp của móng.
Thiếu hụt vitamin và chất dinh dưỡng gây ra móng giòn dễ gãy.
Để có được móng khỏe mạnh, cần có đủ dinh dưỡng. Sự thiếu hụt vitamin A ảnh hưởng đến móng và làm cho móng dễ gãy, do vitamin A giúp cơ thể vận chuyển protein. Protein là thành phần cấu thành chính của móng.
Thiếu vitamin B cũng có thể dẫn đến các vấn đề về móng. Biotin, vitamin B12 và vitamin B7 làm cho móng khỏe hơn, ngăn ngừa móng khỏi khô, chuyển màu tối và uốn cong ở đầu móng.
Vitamin C là vitamin thiết yếu để sản xuất collagen, một thành phần rất quan trọng của móng tay và tóc. Nếu thiếu nó sẽ làm chậm phát triển của móng và tóc.
Thiếu vitamin D dẫn đến sự hấp thu canxi kém, cuối cùng dẫn đến móng dễ gãy.
Các chất dinh dưỡng cần thiết, kẽm, protein, axit clohydric, đồng, canxi, sắt, iốt và celenium. Nếu chế độ ăn uống không đủ các chất dinh dưỡng này, móng sẽ bị giòn, dễ gãy.
Ăn gì tốt cho móng?
Sữa chua: Sữa chua không những giàu protein mà nó còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác cho sức khỏe của móng như biotin, canxi, sắt, magiê, kali và vitamin D. Sữa chua nên có mặt trong bữa ăn hàng ngày của bạn.
Trứng: Trứng rất giàu biotin, vitamin D, vitamin E, protein, selen, sắt, chất béo omega 3 và các chất dinh dưỡng khác. Bổ sung trứng trong thực đơn sẽ giúp móng khỏe.
Cá: Cá giàu protein giúp cung cấp keratin và collagen, hai hợp chất cần thiết cho móng. Có thể chọn bất kỳ cá gì bạn muốn, cá trắng, cá ngừ, tôm, cua, cá hồi…Nên ăn cá 3 lần mỗi tuần.
Rau lá xanh: Đối với móng dễ gãy, thiếu vitamin có thể là thủ phạm. Rau lá xanh giàu vitamin A, vitamin B, vitamin E, biotin, kẽm, kali, magiê và đồng. Tích cực ăn rau lá xanh chắc chắn sẽ lợi cho sức khỏe của móng.
Các loại hạt: Hạnh nhân, hướng dương, óc chó, hạt bí, đậu…rất giàu selen, biotin, đồng, kẽm, magiê, mangan, vitamin E và protein, rất quan trọng đối với sức khỏe của móng. Móng, tóc và da sẽ được cải thiện bởi những thực phẩm này.
Ngoài ra có thể dùng một số biện pháp tự nhiên sẽ giúp bạn phòng ngừa móng dễ gãy như sử dụng dầu dừa để dưỡng ẩm, ngâm tay trong dung dịch dấm táo và nước ấm hoặc nước ép chanh pha cùng dầu ô liu từ 10 – 20 phút. Sau đó rửa sạch móng bằng nước ấm, lau khô, mát xa nhẹ nhàng. Nên lặp lại cách làm này trong khoảng một tháng, hai lần mỗi ngày để có móng khỏe mạnh. Tóm lại bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống bao gồm đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cho móng khỏe mạnh. Tuy nhiên ngoài các chất dinh dưỡng và các cách tăng cường cho sức khỏe của móng như đã đề cập ở trên, cần trao đổi thêm với bác sĩ mỗi khi tình trạng móng giòn dễ gãy không khắc phục được trong thời gian dài, có thể bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những căn bệnh tiềm ẩn, là nguyên nhân chính gây ra móng gãy để điều trị căn nguyên gây bệnh.
BSCKII. Mai Thị Lệ Tịch