Giảm tiểu cầu là tình trạng thường gặp ở người bệnh sốt xuất huyết. Tình trạng này có thể gây chảy máu từ nhẹ đến nặng, trong trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến tử vong. Người bệnh có thể cải thiện số lượng tiểu cầu trong cơ thể bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Vậy bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu nhanh nhất?
Trong bài viết dưới đây, mời bạn hãy cùng DIEPHM điểm qua một số loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu nhé.
Bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu như thế nào?
Trước khi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc người bệnh sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu, hãy cùng tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu như thế nào.
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu sẽ tập trung lại và kết dính với nhau, tạo thành nút tiểu cầu tại vị trí tổn thương. Nút tiểu cầu sẽ ngăn không cho máu thoát ra khỏi lòng mạch.
Lượng tiểu cầu trung bình của một người bình thường nằm trong khoảng 150.000 – 450.00 tiểu cầu/microlit. Tuy nhiên, khi bị sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu trong cơ thể của bệnh nhân có khả năng giảm xuống dưới 150.000 tiểu cầu/microlit, đây được gọi là tình trạng giảm tiểu cầu. Trong nhiều trường hợp nguy hiểm, số lượng tiểu cầu của bệnh nhân sốt xuất huyết có thể giảm xuống dưới 50.000 tiểu cầu/microlit hoặc thậm chí dưới 10.000 – 20.000 tiểu cầu/microlit. Theo đó, bệnh sốt xuất huyết có thể làm giảm số lượng tiểu cầu bằng nhiều cách, bao gồm:
- Virus sốt xuất huyết bám vào tiểu cầu khiến tiểu cầu bị nhiễm bệnh và làm phá hủy các tiểu cầu bình thường
- Tủy xương bị ức chế và không thể sản xuất đủ tiểu cầu
- Các kháng thể tạo ra khi người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ làm phá hủy tiểu cầu
- Tiểu cầu tăng khả năng kết dính với các tế bào nội mạch
- Tiểu cầu bị thực bào phá hủy
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng giúp đông máu và cầm máu. Vì vậy, khi bị sốt xuất huyết dẫn đến giảm tiểu cầu, bệnh nhân dễ gặp phải tình trạng chảy máu, máu khó đông với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng:
- Xuất huyết dưới da: Xuất hiện các chấm xuất huyết nằm rải rác khắp cơ thể hoặc tập trung ở cẳng tay, cẳng chân, ngực, lưng, nách…
- Xuất huyết niêm mạc: Các biểu hiện xuất huyết niêm mạc gồm chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc trong phân có máu, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm…
- Xuất huyết nặng: Nếu bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nặng như thoát huyết tương qua thành mạch, chảy máu mũi nặng, chảy máu âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, xuất huyết kèm sốc, vật vã, bứt rứt, suy hô hấp, suy tim, suy cơ quan… thì cần đến bệnh viện ngay.
Có thể bạn quan tâm
Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu ?
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị giảm tiểu cầu, từ đó dẫn đến chảy máu từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng còn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, trong giai đoạn mắc sốt xuất huyết, ngoài việc quan tâm đến các vấn đề khác, bệnh nhân và người nhà cũng nên tìm cách tăng lượng tiểu cầu trong cơ thể.
Một phương pháp đơn giản và hiệu quả mà bạn có thể cân nhắc chính là bổ sung các loại thực phẩm, nước uống giúp tăng tiểu cầu. Vậy bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu nhanh nhất? Dưới đây là một số loại thực phẩm, nước uống giúp bệnh nhân sốt xuất huyết tăng lượng tiểu cầu trong máu:
1. Rau xanh
Một trong những câu trả lời quen thuộc cho câu hỏi “Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu?” chính là rau xanh. Lý do chính mà nhiều chuyên gia sức khỏe khuyến khích bệnh nhân sốt xuất huyết nên bổ sung loại thực phẩm này vào thực đơn ăn uống trong quá trình điều trị bệnh chính là do thành phần của chúng chứa nhiều vitamin K. Đây là loại vitamin cần thiết giúp hỗ trợ cơ thể sản xuất protein để hỗ trợ quá trình đông máu.
Theo khảo sát của Hiệp hội Hỗ trợ Rối loạn tiểu cầu Pakistan (PDSA Pakistan), việc bổ sung vitamin K có thể cải thiện số lượng tiểu cầu và các triệu chứng chảy máu lần lượt là 27% và 32%. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên bổ sung các loại rau lá xanh như cải rổ, cải xanh, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh…
2. Trái cây
Các loại trái cây họ cam quýt có chứa nhiều vitamin C cần thiết giúp tăng cường chức năng của tiểu cầu. Việc bổ sung vitamin C trong chế độ ăn uống sẽ giúp tiểu cầu hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, vitamin C cũng hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt để tăng cả lượng tế bào hồng cầu lẫn tiểu cầu trong máu.
Bên cạnh đó, kiwi cũng là một loại thực phẩm giúp tăng số lượng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết vì chúng chứa nhiều vitamin C và kali. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc ăn lựu hàng ngày cũng giúp ngăn ngừa tình trạng giảm tiểu cầu trong giai đoạn mắc sốt xuất huyết.
3. Thực phẩm chứa nhiều khoáng chất sắt
Sắt từ lâu đã được biết đến là thành phần quan trọng để tổng hợp hồng cầu. Tuy nhiên, ít người biết rằng, khoáng chất này cũng cần thiết cho quá trình sản xuất tiểu cầu. Một số loại thực phẩm giàu sắt mà bạn có thể bổ sung là đậu lăng, hạt bí, thịt bò, rau bina, ổi…
4. Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D cũng là một loại vitamin quan trọng mà bệnh nhân sốt xuất huyết cần bổ sung để tăng số lượng tiểu cầu. Theo một số nghiên cứu cho thấy, vitamin D giúp tạo tủy xương – mô xốp trong xương có chức năng sản xuất tiểu cầu cũng như các tế bào máu khác và giúp chúng hoạt động hiệu quả.
Mặc dù việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D nhưng người bị sốt xuất huyết vẫn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu loại vitamin này như lòng đỏ trứng, cá ngừ, sữa chua, sữa…
5. Thực phẩm giàu folate
Folate hoặc vitamin B9 giúp hỗ trợ sự phát triển của các tế bào máu, bao gồm cả tiểu cầu. Dưỡng chất này có nhiều trong thực phẩm dưới dạng axit folic. Các nguồn cung cấp folate tự nhiên dồi dào mà bạn có thể tham khảo là các loại đậu, rau lá xanh, củ cải đường, bắp cải, các loại hạt, mầm lúa mì, chuối, cam…
6. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Như chúng ta đều biết, sữa là nguồn cung cấp canxi và protein dồi dào, rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương và cơ bắp. Tuy nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng giúp cải thiện số lượng tiểu cầu trong máu, đồng thời chứa nhiều vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu. Vì vậy, nếu bạn hỏi “Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn uống gì để tăng tiểu cầu?” thì câu trả lời là sữa và các sản phẩm từ sữa là một trong những thức uống cần bổ sung.
7. Thịt và gan động vật
Thịt và gan động vật là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào. Ngoài ra, các loại thực phẩm này sẽ giúp tế bào trong cơ thể phát triển khỏe mạnh, bao gồm cả tiểu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Người bệnh sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu cần tránh gì?
Bên cạnh việc biết câu trả lời cho thắc mắc “Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?” thì người bệnh và gia đình cũng nên lưu ý đến một số loại thực phẩm cần tránh trong giai đoạn này. Theo đó, người bệnh sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu cần hạn chế:
- Thức uống chứa cồn: Việc tiêu thụ rượu bia và thức uống có cồn có thể làm giảm số lượng tiểu cầu theo nhiều cách khác nhau và khiến tình trạng của người bị sốt xuất huyết thêm tồi tệ. Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị bệnh nhân sốt xuất huyết nên hạn chế tối đa thức uống chứa cồn trong giai đoạn bệnh.
- Thực phẩm, nước uống chứa quinine: Quinine là một trong những chất có khả năng phá hủy và làm giảm lượng tiểu cầu trong cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân sốt xuất huyết cũng nên hạn chế các loại thực phẩm và nước uống chứa quinine (như bưởi), đặc biệt là nước giải khát, nước tăng lực.
- Thực phẩm chứa aspartame: Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo có trong nhiều sản phẩm như nước có ga, kem, kẹo cao su… Dù cơ chế chưa được xác định rõ nhưng aspartame được cho là có liên quan đến tình trạng giảm tiểu cầu.
- Các loại thực phẩm khác như nước ép nam việt quất, sốt mè, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa…
DIEPHM hy vọng bài viết này đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu nhanh nhất?”. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ làm tăng lượng tiểu cầu trong máu và giúp bệnh nhân ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của tình trạng này.