Ung thư xương là một loại ung thư hiếm gặp bắt đầu từ xương. Bệnh này được chia thành nhiều loại khác nhau và hầu hết nguyên nhân ung thư xương vẫn chưa được biết rõ.
Cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân bị ung thư xương ở từng loại, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh và cách phòng ngừa trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân ung thư xương là do đâu?
Trong bài viết này đề cập đến nguyên nhân ung thư xương nguyên phát, không bao gồm các bệnh ung thư bắt nguồn từ những bộ phận khác rồi di căn tới xương. Đây là một bệnh ác tính xảy ra khi các tế bào của xương bị đột biến gen, dẫn đến phân chia và nhân lên mất kiểm soát, cuối cùng là hình thành một khối u ác tính. Khi khối u ác tính phát triển trong xương, nó có thể gây hại cho mô xương bình thường.
Ung thư xương được chia thành 3 loại dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu. Cụ thể như sau:
- Sarcoma xương. Đây là dạng ung thư xương phổ biến nhất. Bệnh bắt đầu trong các tế bào nơi hình thành mô xương mới. Những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên là những đối tượng thường bị ảnh hưởng bởi bệnh nhiều nhất. Sự tăng trưởng xương nhanh chóng xảy ra ở tuổi dậy thì có thể khiến các khối u ác tính hình thành trong xương.
- Sarcoma sụn. Đây là dạng ung thư xương phổ biến thứ hai. Bệnh bắt đầu phát triển trong mô sụn. Bệnh thường xảy ra ở người trung niên và người lớn tuổi.
- Ewing sarcoma (ESFTs). Khối u Sarcoma Ewing thường ảnh hưởng nhất đến trẻ em và thanh niên. Những khối u này hình thành ở mô thần kinh chưa trưởng thành trong tủy xương, thuờng ở xương chậu, chân hoặc cánh tay của trẻ em và thanh niên.
Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân ung thư xương vẫn chưa được xác định. Một số ít bệnh ung thư xương có liên quan đến yếu tố di truyền, trong khi một số khác có liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ liều cao trước đó.
Các yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân ung thư xương, nhưng các bác sĩ đã tìm thấy một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý này, bao gồm:
Điều trị một loại ung thư khác
Những người đã được xạ trị để điều trị một loại ung thư khác có nguy cơ phát triển ung thư xương trong tương lai. Nguy cơ này cao hơn ở những người xạ trị khi còn trẻ (đặc biệt là trẻ em) và những người được điều trị bằng liều bức xạ cao hơn.
Ngoài ra, việc điều trị ung thư bằng thuốc hóa trị được gọi là tác nhân alkyl hóa cũng có liên quan đến ung thư xương.
Nguyên nhân ung thư xương có phải do di truyền?
Nguyên nhân ung thư xương không phải do di truyền, nhưng một số hội chứng di truyền hiếm gặp được kế thừa trong gia đình làm tăng nguy cơ ung thư xương, bao gồm:
- Hội chứng Li-Fraumeni: Tình trạng này di truyền trong gia đình do lỗi gen di truyền từ bố mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số dạng ung thư, trong đó có ung thư xương.
- U nguyên bào võng mạc di truyền: Đây là một bệnh ung thư mắt hiếm gặp ở trẻ em cũng do gen di truyền bị lỗi. Trẻ em có lỗi gen này cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư xương cao hơn các trẻ bình thường. Ngoài ra, bức xạ được sử dụng để điều trị u nguyên bào võng mạc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xương ác tính ở xương sọ.
Các hội chứng di truyền khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương, chẳng hạn như:
- Hội chứng Werner
- Hội chứng Rothmund-Thomson
- Hội chứng Bloom.
Khối u xương lành tính
Nguyên nhân ung thư xương có phải là do khối u xương lành tính? Khối u xương lành có nguy cơ trở thành ung thư nhưng nguy cơ này là rất nhỏ và không xảy ra phổ biến.
Trên thực tế, có một số loại khối u xương lành tính có thể làm tăng nguy cơ mắc sarcoma sụn. Ví dụ, nhiều khối u xương sụn lành tính phát triển ở giữa xương (bệnh đa u sụn) có rủi ro mắc ung thư xương cao hơn.
Vì vậy, những người có khối u xương lành tính vẫn nên cần điều trị để giảm nguy cơ mắc các vấn đề khác như xương yếu, các vấn đề về khớp và phá hủy mô xương khỏe mạnh, đồng thời, hạn chế nguy cơ có thể phát triển thành ung thư xương trong tương lai.
Các bệnh về xương có phải là nguyên nhân ung thư xương?
Một số tình trạng ảnh hưởng đến xương có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư xương. Chúng bao gồm:
- Bệnh Paget xương: Đây là một tình trạng lành tính thường xảy ra ở người lớn trên 50 tuổi. Khi mắc bệnh, một vùng hoặc nhiều vùng xương hoạt động mạnh hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến xương dễ bị gãy và tăng nguy cơ phát triển ung thư xương. Ung thư xương có thể phát triển ở khoảng 5 đến 10% trường hợp bệnh Paget xương nặng, thường là khi nhiều vùng xương bị ảnh hưởng.
- Bệnh Ollier: Những người mắc bệnh này phát triển nhiều khối u lành tính trong xương. Những khối u này có thể trở thành sarcoma sụn.
Tuổi tác
Hầu hết các bệnh sarcoma sụn xảy ra ở người lớn tuổi, mặc dù chúng cũng có thể phát triển ở những người trẻ tuổi.
Giống như hầu hết các bệnh ung thư, nguy cơ ung thư xương tăng lên theo tuổi tác. Tuy nhiên, đối với một số loại ung thư xương, người trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn. Cụ thể như sau:
- Sarcoma xương phổ biến hơn ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi bởi bệnh có liên quan đến sự phát triển của xương ở tuổi dậy thì.
- Ewing sarcoma (ESFTs) thường phát triển ở trẻ em từ sơ sinh đến 14 tuổi và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở người lớn.
- Sarcoma sụn có nguy cơ xảy ra ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 60.
Loãng xương hay chấn thương có phải là nguyên nhân ung thư xương?
Loãng xương không phải là nguyên nhân ung thư xương, cũng không phải là dấu hiệu cảnh báo trước của bệnh. Tuy nhiên, nhiều người mắc ung thư xương hoặc các loại ung thư khác (đặc biệt là ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt) sẽ bị loãng xương.
Ngoài ra, một số người cho rằng một cú va chạm hoặc chấn thương ở xương là nguyên nhân gây ung thư xương. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chấn thương dẫn đến ung thư xương. Nhiều khả năng khi có ung thư xương, xương yếu và dễ gãy hơn. Khi bác sĩ kiểm tra sẽ phát hiện ra ung thư xương đã có từ trước đó.
Hiểu rõ nguyên nhân ung thư xương để phòng ngừa
Vì nguyên nhân ung thư xương vẫn chưa được xác định rõ nên hiện tại không có cách nào để phòng ngừa bệnh này. Bởi vì xạ trị (một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư xương) là cần thiết để điều trị các loại ung thư khác nên không thể tránh khỏi hoàn toàn.
Ung thư xương rất hiếm gặp nên khi được chẩn đoán mắc bệnh này có thể khiến bạn sợ hãi, thất vọng và lo lắng. Hiểu rõ thông tin về nguyên nhân ung thư xương và các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh sẽ giúp bạn chủ động tầm soát sớm bệnh lý này nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao.