Nam giới đang hoặc từng điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể gặp khó khăn trong chuyện chăn gối như mất ham muốn, không thể cương cứng.
Tuyến tiền liệt nằm giữa dương vật và bàng quang, có nhiều chức năng gồm sản xuất chất lỏng nuôi dưỡng, vận chuyển tinh trùng, tiết ra kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Đây là loại protein giúp tinh dịch giữ được trạng thái lỏng và hỗ trợ kiểm soát nước tiểu.
Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) thống kê năm 2022, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới và phổ biến thứ hai ở nam giới. Tại Việt Nam, có gần 6.000 ca mắc mới và 2.800 trường hợp tử vong. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi.
Ung thư tuyến tiền liệt không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tình dục. Song các phương pháp điều trị, bao gồm xạ trị, phẫu thuật hoặc liệu pháp hormone, thường có thể gây ra tình trạng rối loạn chức năng tình dục.
Phẫu thuật là phương pháp được ưu tiên để loại bỏ mô ung thư hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt khi mắc bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cố gắng tránh làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát sự cương cứng nằm gần tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, rối loạn cương dương là một trong những nguy cơ chính khi thực hiện phương pháp này.
Bác sĩ phẫu thuật có thể giảm nguy cơ rối loạn do phẫu thuật bằng một số biện pháp như sinh thiết để xác định ung thư xuất hiện ở bên nào tuyến tiền liệt. Phẫu thuật có thể bảo toàn các dây thần kinh ở phía bên kia.
Liệu pháp đông lạnh là thủ thuật ít xâm lấn hơn, trong đó bác sĩ sử dụng đầu dò để đông lạnh các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, thủ thuật này vẫn tồn tại nguy cơ tổn thương dây thần kinh.
Xạ trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến mô khỏe mạnh xung quanh và các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có khả năng dẫn đến tổn thương thần kinh và rối loạn cương dương, cùng các tác dụng phụ khác.
Liệu pháp cận xạ trị có nguy cơ thấp hơn, do đưa phóng xạ vào trực tiếp tuyến tiền liệt, giảm khả năng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, liệu pháp này thường chỉ áp dụng cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu.
Liệu pháp nội tiết tố là phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách ngăn chặn hoặc giảm sản xuất và sử dụng các hormone liên quan. Các androgen chẳng hạn testosterone cần thiết cho chức năng sinh sản và tình dục, nhưng chúng cũng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư ở người bị ung thư tuyến tiền liệt.
Để ngăn chặn hoặc giảm tác động của hormone này, bác sĩ chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau hoặc phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả hai tinh hoàn. Tuy nhiên, liệu pháp nội tiết tố cũng có thể gây một số tác dụng phụ, bao gồm nguy cơ khó cương cứng, mất ham muốn tình dục và giảm khả năng sinh sản.
Các phương pháp điều trị ung thư trên đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Việc sản xuất tinh trùng có thể giảm hoặc ngừng lại khi điều trị bằng xạ trị. Thông thường, hoạt động sinh tinh sẽ tái diễn, dù lượng tinh trùng ít hơn. Do đó, nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt và dự định có con trong tương lai nên trữ đông tinh binh trước khi bắt đầu điều trị.
Sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt, nam giới vẫn có thể cương cứng, dù phẫu thuật có nguy cơ ảnh hưởng các dây thần kinh, tế bào máu và cơ cần thiết cho cơ chế này. Lúc này, cơ thể vẫn tạo ra các tế bào tinh trùng, nhưng chúng không thể thoát ra khỏi cơ thể và được tái hấp thụ.
Nếu mất chức năng tình dục sau khi điều trị bệnh, nam giới nên dành nhiều thời gian hơn để kích thích cơ thể nhằm duy trì sự cương cứng hoặc có thể tìm những phương thức gần gũi khác. Một số phương pháp như dùng thuốc hoặc kem bôi dương vật có thể hữu ích.
Tập thể dục cũng giúp phái mạnh tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ rối loạn cương dương, cải thiện đời sống tình dục. Các nghiên cứu cho thấy người bị ung thư tuyến tiền liệt khi tập thể dục có nhiều khả năng quay trở lại với đời sống tình dục hơn.
Nam giới từ 40 tuổi trở lên, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, mang đột biến gene BCRA nên chủ động sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt dù không có triệu chứng. Nếu không có những yếu tố nguy cơ này, đàn ông sau 45 tuổi vẫn nên sàng lọc để sớm phát hiện bệnh và điều trị.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |