Trí khôn của loài người không thể hình dung đúng được tầm vóc của vũ trụ. Chẳng những không thể biết mà ngay cả hình dung ra nó lớn bằng nào cũng đã là khó rồi.
Xuất phát từ trái đất, ta sẽ thấy tại sao lại như vậy. Trái đất là một phần – và cũng chỉ là phần nhỏ li ti mà thôi – của hệ mặt trời bao gồm mặt trời, các hành tinh xoay quanh nó, các tiểu hành tinh và các thiên thể khác. Toàn thể hệ mặt trời “của chúng ta” cũng chỉ là một phần – và cũng chỉ là một phần nhỏ tí ti mà thôi – của một hệ thống khác lớn hơn gọi là thiên hà (hay dải ngân hà). Thiên hà là một hệ thống gồm hàng triệu các vì sao, trong đó có nhiều vì sao lớn hơn mặt trời “của chúng ta” bội phần. Và các vì sao này cũng có hệ mặt trời riêng của nó.
Các vì sao mà ta thấy trong thiên hà “của chúng ta” cũng đều là những mặt trời cả. Chúng ở cách xa chúng ta đến nỗi không thể dùng đơn vị đo chiều dài thông thường như dặm (mile) hay kilomet (km) mà phải dùng đơn vị “năm ánh sáng”. Để hiểu được một năm ánh sáng dài bao nhiêu km, bạn hãy cứ lấy 300.000 km nhân với số giây trong một năm. Nếu bạn thích thích thì con số ấy được biểu diễn bằng toán học như thế này: 9.461×1012 km. Bạn tính ra đi. Ngôi sao gần trái đất nhất tên là Alpha centauri – xin nhắc lại, gần trái đất nhất – cũng ở cách ta 4,3 năm ánh sáng.
Thiên hà “của chúng ta” có hình dạng và kích thước bằng nào? Nó có hình cái dĩa, hơi phình ở trung tâm, có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng và bề dày ở trung tâm khoảng 20.000 năm ánh sáng. Tuy nhiên dải thiên hà “của chúng ta” cũng lại chỉ là một phần tí ti của một hệ thống khác lớn hơn. Ngoài hệ thống thiên hà “của chúng ta” còn triệu triệu hệ thống thiên hà khác nữa…
Bởi vậy ta mới hiểu tại sao ta không thể nào hình dung được tầm cỡ của vũ trụ. Đã thế, các nhà khoa học còn cho rằng vũ trụ đang “nở” rộng. Có nghĩa là chỉ trong vài tỷ năm thì hai thiên hà có thể dang xa nhau ra một khoảng cách gấp hai lần khoảng cách trước đó.